Đình chỉ vụ án hình sự – Những điểm cần lưu ý
Đình chỉ vụ án hình sự là một hoạt động trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 248, Điều 282, Điều 359, Điều 392 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đình chỉ vụ án là việc cơ quan tiến hành tố tụng quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án hoặc với từng bị can.
Trong bài này
Khái niệm đình chỉ vụ án hình sự
Đình chỉ vụ án là việc cơ quan tiến hành tố tụng quyết định chấm dứt mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án hoặc với từng bị can. Vụ án đã có quyết định đình chỉ thì không được tiếp tục điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Tùy từng giai đoạn trong vụ án hình sự, thẩm quyền đình chỉ vụ án khác nhau. Tuy nhiên, đình chỉ vụ án chỉ được áp dụng từ giai đoạn truy tố trở đi, khi vụ án đang ở giai đoạn điều tra, chỉ áp dụng quy định về đình chỉ điều tra vụ án.
Các trường hợp đình chỉ vụ án hình sự
Đình chỉ vụ án được áp dụng khi vụ án đang ở một trong các giai đoạn: Truy tố, giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, giai đoạn xét xử phúc thẩm, giai đoạn giám đốc thẩm và giai đoạn tái thẩm.
Căn cứ pháp lý để đình chỉ vụ án được quy định tại Điều 248, Điều 282, Điều 359, Điều 392 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Thứ nhất, đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố
Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ sau:
(i) Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu;
(ii) Không có sự việc phạm tội;
(iii) Hành vi không cấu thành tội phạm;
(iv) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
(v) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
(vi) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
(vii) Tội phạm đã được đại xá;
(viii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
(ix) Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố;
(x) Có căn cứ xác định người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội;
(xi) Người phạm tội có căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự;
(xii) Người phạm tội là người dưới 18 tuổi thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu. Nếu có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Viện kiểm sát vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Thứ hai, đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau:
(i) Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu;
(ii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
(iii) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
(iv) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
(v) Tội phạm đã được đại xá;
(vi) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
(vii) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
Thứ ba, đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ vụ án khi có các căn cứ sau:
(i) Không có sự việc phạm tội;
(ii) Hành vi không cấu thành tội phạm;
(iii) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
(iv) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
(v) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
(vi) Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Thứ tư, đình chỉ vụ án trong giai đoạn giám đốc thẩm
Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong các trường hợp được quy định tại Điều 157 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Thứ năm, đình chỉ vụ án trong giai đoạn tái thẩm
Trong giai đoạn tái thẩm, Hội đồng tái thẩm có thể ra quyết định đình chỉ trong các trường hợp sau: Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.
Thẩm quyền đình chỉ vụ án hình sự
Tùy từng giai đoạn trong vụ án hình sự mà thẩm quyền đình chỉ vụ án khác nhau, cụ thể:
- Tại giai đoạn truy tố: Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định đình chỉ vụ án;
- Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra Quyết định đình chỉ vụ án;
- Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ vụ án (đồng thời tuyên hủy bản án sơ thẩm);
- Tại giai đoạn giám đốc thẩm: Hội đồng giám đốc thẩm ra Quyết định đình chỉ vụ án;
- Tại giai đoạn tái thẩm: Hội đồng tái thẩm ra Quyết định đình chỉ vụ án.
Hậu quả pháp lý của đình chỉ vụ án hình sự
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án là chấm dứt hoạt động tố tụng. Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động nào.
Có được phục hồi vụ án đã bị đình chỉ?
Điều 249 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về phục hồi vụ án như sau: “1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vụ án bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi vụ án. Có thể phục hồi đối với toàn bộ vụ án hoặc phục hồi vụ án đối với từng bị can”.
Như vậy, trong giai đoạn truy tố pháp luật quy định sau khi có quyết định đình chỉ vụ án thì có thể phục hồi vụ án, tuy nhiên, với điều kiện vụ án chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tương tự, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, pháp luật cũng quy định về việc phục hồi vụ án (Điều 282 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Xem thêm: Mẫu giấy đề nghị hiệu đính
Trả lời